Chỉ nhận ngân sách 4-6 tỷ đồng một năm, bị dừng hệ cận chuyên, nhưng chi phí vận hành gần 20 tỷ khiến hai trường tăng học phí gấp 4-5 lần so với hiện tại.
Đầu tháng 5, THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, thông báo tăng học phí với khóa mới. Học phí được chia thành hai mức: 1,3 triệu đồng/tháng năm 2024, còn từ 2025 tăng lên 1,97 triệu.
Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng dự kiến thu học phí 650.000 đồng một tháng trong học kỳ I, học kỳ II lên 1,6 triệu đồng. Trong hai năm tiếp theo, học phí lần lượt 1,7 và 1,8 triệu đồng/tháng.
Hiện, cả hai trường đều áp dụng mức 300.000 đồng với học sinh chuyên.
"Các trường THPT chuyên thuộc đại học đứng trước bài toán tồn tại hay không, nếu không tăng học phí", TS Nguyễn Phú Chiến, hiệu trưởng trường chuyên Ngoại ngữ, nhìn nhận.
Thí sinh thi vào trường Phổ thông Năng khiếu năm 2023. Ảnh: Lệ Nguyễn
Cả nước có 8 trường THPT chuyên thuộc đại học, đã công bố tuyển sinh năm học mới. Đó là chuyên Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội); chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội; chuyên Đại học Vinh; chuyên Khoa học Huế (Đại học Huế); Phổ thông Năng khiếu; THPT Năng khiếu (trường Đại học Tân Tạo, Long An).
Trong đó, ba trường công bố học phí và đều tăng là chuyên Ngoại ngữ, Sư phạm và Phổ thông Năng khiếu. Theo lãnh đạo các trường, có hai nguyên nhân chính dẫn tới việc này.
Thứ nhất là xu thế tự chủ. Những trường đại học tự chủ sẽ bị giảm ngân sách nhà nước, nên khoản rót về trường THPT chuyên trực thuộc cũng ít hơn. Đây là khác biệt lớn nhất giữa các trường nhóm này với trường chuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo - được UBND tỉnh, thành phố bao cấp.
Thứ hai là từ năm học 2024-2025, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường THPT chuyên phải dừng tuyển lớp không chuyên. Hiện, học phí hệ này ở chuyên Sư phạm và Ngoại ngữ lần lượt là 1,8-3,1 triệu đồng/tháng, tức gấp 6-10 lần hệ chuyên.
"Từ khi mở hệ không chuyên vào năm 2012, chúng tôi dùng nguồn thu từ hệ này để bù cho hệ chuyên, nhất là trong các khoản về học bổng, bồi dưỡng nhân tài", TS Vũ Văn Tiến, hiệu trưởng trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho hay. "Khi ngân sách giảm, đồng thời nguồn thu từ hệ không chuyên không còn, chúng tôi buộc phải tăng học phí để duy trì hoạt động".
Cụ thể hơn, ông Tiến cho biết nhiều năm nay, trường được cấp 4,8 tỷ đồng một năm, năm nay lên 6 tỷ, nhưng tổng chi lên tới 20-24 tỷ đồng. Khoản lớn nhất là 11 tỷ để trả lương cho 66 cán bộ giáo viên, hơn 50 nhân viên hợp đồng, thỉnh giảng.
Tương tự, hiệu trưởng Nguyễn Phú Chiến cho biết trường chuyên Ngoại ngữ nhận ngân sách khoảng 6 tỷ đồng một năm, gần đây đã giảm nhiều, song nguyên chi lương, bảo hiểm... cho giáo viên, nhân viên đã hơn 18 tỷ.
Để đưa ra mức học phí mới, các trường phải chuyển đổi mô hình từ công lập sang công lập tự chủ tài chính, được Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm định chất lượng, rồi thu học phí theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.
Theo đó, mức trần học phí với học sinh THPT ở thành thị là 650.000/tháng. Trường công lập tự chủ có thể thu gấp đôi mức này, tức 1,3 triệu. Nếu đạt kiểm định chất lượng, các trường được tự xác định học phí.
Ngoài ra, trường chuyên Ngoại ngữ và Sư phạm tham khảo giá dịch vụ của Hà Nội - nơi trường đặt trụ sở. Hiện, mức trần giá dịch vụ với trường THPT chuyên thuộc quản lý của Hà Nội khoảng 2,8 triệu đồng/tháng.
Nhưng ngay cả khi thu học phí theo mức mới, hai trường vẫn không dư dả, mà hoạt động ở mức tối thiểu, theo các hiệu trưởng. Như trường THPT chuyên Ngoại ngữ phải xin trường Đại học Ngoại ngữ hỗ trợ thêm 30%, trong khi Đại học Sư phạm Hà Nội không có tiền bù cho phần thiếu hụt của trường chuyên.
Trường THPT chuyên Sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh:Website nhà trường
Tại TP HCM, trường Phổ thông Năng khiếu đã tăng học phí từ hai năm trước, khi bắt đầu tự chủ. Năm học tới, trường thu 1,5-2,6 triệu đồng/tháng, gồm chi phí bán trú, tăng khoảng 7,5% so với hiện nay.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, hiệu trưởng, cho biết về nguyên tắc trường có thể thu học phí cao hơn. Tuy nhiên, trường chuyên có mục đích đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nên nếu tăng học phí để bù đắp chi phí đào tạo, học sinh khó khăn sẽ gặp rào cản.
Về lâu dài, theo bà Mai, các trường phổ thông thuộc đại học phải thực hiện tự chủ một phần, bên cạnh sự hỗ trợ của trường chủ quản, để nâng chất lượng đào tạo, thêm nhiều hoạt động, sân chơi, dịch vụ cho học sinh.
Đây cũng là mong muốn của ông Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông cho biết dù đã tăng học phí và chỉ tiêu năm nay, trường THPT chuyên vẫn gặp nhiều khó khăn, phải đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ.
Các trường cho biết song song tăng học phí cũng chi thêm cho quỹ học bổng, cải thiện chương trình học. Chẳng hạn trường chuyên Ngoại ngữ dành 10% nguồn thu để cấp học bổng, không thu tiền học ngoại ngữ tăng cường và ngoại ngữ 2, theo TS Hoa Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ. Trong khi, trường Phổ thông Năng khiếu trích 8% cho quỹ học bổng, chuyên Sư phạm dự kiến tăng thưởng cho giải quốc gia, quốc tế.
"Chúng tôi cố gắng từng bước cải thiện quyền lợi học sinh, cùng nhiệm vụ bồi dưỡng, phát hiện nhân tài nhưng nếu so với các tỉnh, thành thưởng vài trăm triệu đồng cho huy chương Olympic quốc tế, mức 10 triệu của chúng tôi, dù có tăng vẫn còn kém xa", ông Tiến nói.
Nguồn: vnexpress.net